[Review] Ai rồi cũng chết! – Atul Gawande

Tên gốc: Being mortal: Medicine and What Matters in the End

Thể loại: Non-fiction

Lại một cuốn sách mà mình không biết review thế nào, mà chỉ muốn ngồi kể lể cái cảm nhận cá nhân hơi lạc đề của mình về nội dung, theo một hướng rất chi là chủ quan. Và có lẽ khi tự đọc thì cách tác giả truyền tải sẽ làm cho bạn tiếp nhận theo một hướng khác. Ừm, ý mình là nếu bạn có tìm thấy review của mình thì hãy đọc sách trước đi nhé. Mục đích của mình là viết lại để giải tỏa chứ không phải để dẫn dắt ai cả.

Trước đó, mình đã đọc “Để yên cho bác sĩ hiền” và “Khi hơi thở hóa thinh không”, vậy là thích mấy quyển sách do mấy người làm nghề y viết quá trời. Cũng phải thôi, một trong những nghề mình đã dự định theo đuổi và biến nó thành nghiệp của mình chính là “bác sĩ”. Nhưng mình lỡ hẹn với nó, vì nhiều lí do, mà lí do lớn nhất là mình cảm thấy một chút xíu mệt mỏi. Vậy nên mình luôn nhìn các bác sĩ với một sự ngưỡng mộ, coi họ là những người có hiểu biết đỉnh nhất, và là những con người rất chăm chỉ. Hiện giờ mình đang học dược, hài cái là học cái này rồi thì không còn ngưỡng mộ tất cả những người đã đang và sẽ làm bác sĩ. Có lẽ vì một cái nhìn gần hơn sẽ làm chúng ta vỡ mộng vậy…

“Ai rồi cũng chết!”, cái tên ấn tượng nhỉ? Chỉ là tình cờ sau khi đọc xong “Khi hơi thở hóa thinh không” và mình ngồi google sách trên mấy page Y học trong nước mắt. Cái tên đập vào mắt và cái suy nghĩ của mình chính là chuẩn với ý mình quá. Paul Kalanithi cũng không thể chống lại số phận của mình và ra đi khi cuốn sách của bác sĩ còn đang dang dở. Nhưng mà nội dung của cuốn sách thì khiến mình rất bất ngờ…

Mình từng nghĩ, một bác sĩ viết một cuốn sách như thế sẽ có nội dung cụ thể như thế nào. Bản thân mình không đọc nó ngay lập tức. Phải mất vài tuần từ ngày down được ebook sách về thì mình mới mở ra đọc, và cũng chỉ đọc vài trang, sau một quãng thời gian dài, có lẽ là tầm 3 tháng thì mình mới tiếp tục đọc và đọc rả rích trong vài ngày. Cuốn sách này đơn giản là lời kể của một vị bác sĩ, về cái chết, về những con người cận kề cái chết và tiến đến cái chết như thế nào, nhưng hơn thế là nói về việc mọi người đều muốn lựa chọn từ bỏ đấu tranh và không phải chịu đau đớn nữa.

Cho đến bây giờ, mình không hề sợ chết. Thực sự là bản thân mình nhiều lần nghĩ đến cái chết, kiểu như mình sẽ chết như thế nào, tử vi dự đoán mình thọ bao nhiêu, và mình hi vọng bản thân sẽ không trải qua bệnh tật đau đớn mà sẽ được ra đi thật nhanh. Lúc đọc xong cuốn sách thì mình mới tự hỏi bản thân có thực sự không sợ cái chết? Mình không còn chắc chắn nữa.

Như bác sĩ Atul đã viết, những người già không sợ cái chết, họ chỉ sợ những điều sắp xảy ra khi cận kề điểm cuối của cuộc đời, sợ rụng răng, sợ đãng trí, sợ mất đi những mối quan hệ bạn bè… Mình sẽ nói là bản thân sợ chết nếu như cái chết của mình làm cho người khác đau khổ. Mình từng muốn tự tử rất nhiều lần. Nhiều khi đứng trên cao, đứng ở những chỗ nguy hiểm, mình luôn nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh mình rơi xuống như thế nào, và mình sẽ mãi không mở mắt ra nữa… Nhưng, lại một chữ “nhưng”, mọi người sẽ nghĩ gì về việc đó, gia đình, bạn bè… Mình không biết nữa. Mình chỉ đi tìm những bài viết, những bài phỏng vấn về vấn đề cái chết để đọc, để tự động viên bản thân mạnh mẽ lên. Mình còn lưu ngoại tuyến trong ứng dụng Youtube trên điện thoại một clip tên là “What it’s like to lose someone to suicide” để thi thoảng vào xem lại.

Có lẽ mình lại lan man mất rồi. Quay lại với quyển sách này, việc chấp nhận tuổi già là một điều khó khăn mà mỗi người già đều trải qua, nhưng rõ ràng là họ không thực sự sợ chết. Đơn giản là cuộc sống tích lũy sự từng trải, và họ dễ dàng chấp nhận hơn, họ biết cái chết là điểm cuối của cuộc đời. Trong truyện có một phần khá dài nói về vấn đề “nhà trợ sinh”. Nói một cách đơn giản, đây là sự chuyển tiếp từ nhà đến viện dưỡng lão. Những người già thay vì trở thành những con rối, cảm thấy mất hết sức sống, họ có thể sống cuộc sống không mấy thay đổi, vẫn còn tự do, vẫn còn cảm nhận được mình độc lập, nhưng vẫn có sự trợ giúp từ các nhân viên của dịch vụ này. Sự trợ giúp chỉ khi cần ấy sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Thực ra đọc xong thì mình mới biết thế nào là viện dưỡng lão, mình luôn nghĩ viện dưỡng lão hoạt động giống như nhà trợ sinh. Nhưng sự thật là viện dưỡng lão là nơi các cụ ông cụ bà được theo dõi sát sao, ngay cả việc mặc quần áo cũng có người lo liệu, và những người ở đấy hầu như là kiểu gặp khó khăn trong việc sinh hoạt lắm lắm rồi. Đương nhiên là nhà trợ sinh là sự lựa chọn tốt.

Vấn đề thứ hai chính là việc người ta lựa chọn đấu tranh với bệnh tật hay là chết không đau đớn. Thực lòng hiểu biết của mình hạn hẹp lắm, hạn hẹp về mọi mặt luôn. Trước hết là việc xem phim, mình luôn thấy gia đình người bệnh luôn nuôi hi vọng về việc chữa khỏi bệnh, rồi thì việc người bệnh cố gắng kéo dài sự sống. Mình coi đó là chân lý luôn, con người ta luôn muốn sống mà. Đối với mình thì sống dù đau đớn nhưng cũng phải cố gắng, vì bản thân, vì gia đình. Có những người được giữ trong trạng thái hôn mê sâu, chết lâm sàng nhưng gia đình vẫn luôn giữ hi vọng họ tỉnh lại… Đôi khi mình tự hỏi những người như thế có phải chịu đau đớn không nhỉ?

Trong cả cuốn sách, mình ấn tượng nhất với câu chuyện về cô giáo dạy piano Peg, và cha của bác sĩ Atul. Cô Peg đã từng chữa khỏi bệnh, nhưng sau đó lại phát hiện ra khối u, và cuối cùng, dù cho nỗ lực thế nào thì căn bệnh cũng không thể tiến triển, hoặc là sống trong đau đớn, điều trị để kéo dài thêm bằng nào hay bằng đó, hoặc là lựa chọn dịch vụ “chăm sóc tại nhà”. Dịch vụ này là kiểu giúp bạn có chuẩn bị trước cho cái chết, chắc chắn chết, ví dụ như sử dụng thuốc giảm đau chứa ma túy để không phải chịu đau đớn, và cái chết sẽ đến nhanh hơn. Cha của tác giả cũng đứng trước sự lựa chọn như vậy. Và cũng giống như cô Peg, ông cũng chọn “chăm sóc tại nhà”. Ông không muốn chịu thêm bất kỳ sự đau đớn nào hết. Nếu như trước đây mà cho mình lựa chọn hai phương án này, có lẽ mình vẫn chọn việc cố sống tiếp, sống hết mức có thể. Nhưng bây giờ mình lại nghĩ khác. Có lẽ, thay vì thời gian chịu đựng đau đớn nhưng chẳng thể kéo dài bao lâu, mình sẽ cố gắng làm tất cả những điều mình muốn. Những giây phút cuối cùng người ta thường không muốn bản thân trông tồi tàn và cạn kiệt. Mình không nhớ chính xác nhưng bác sĩ Atul đã viết đại loại thế này, con người ta không chỉ muốn tồn tại mà còn muốn sống khỏe; con người ta chỉ ham muốn sống khi và chỉ khi họ sống khỏe mạnh.

Sứ mệnh của ngành Y là gì, Y học phát triển là gì? Ngoài việc cải thiện sức khỏe con người… Nhưng nếu như việc đó là ngoài khả năng, vậy thì có phải điều tốt nhất là giúp người ta đạt được những ước nguyện đơn giản nhất, như việc được chết một cách nhẹ nhàng không. Bố của bác sĩ Atul cũng là bác sĩ, mẹ của Atul cũng là bác sĩ, họ hiểu khả năng giữ lại sự sống là không thể, nhưng mẹ Atul vẫn khó mà chấp nhận được việc chồng mình lựa chọn “chăm sóc tại nhà”, lựa chọn cái chết…

Có một dạo phim “Me before you” nổi ầm ĩ trên mạng, kéo theo đó là cả bộ truyện cũng nổi. Mình thì chỉ tò mò xem phim thôi. Và sau khi xem xong đoạn kết thì mình phẫn nộ lắm, mình ghét việc Will lựa chọn cái chết. Will đã thay đổi khi gặp Lou, nhưng anh lại chạy trốn và tiến hành việc trợ tử… Tự nhiên đọc xong “Ai rồi cũng chết!”, mình mới nhớ đến bộ phim ấy. Có lẽ bản thân mình chẳng thể hiểu hết nổi suy nghĩ của người khác. Nhưng mình bỗng thấy bản thân có trách nhiệm hơn. Đứng trước những bước ngoặt, mình sẽ suy nghĩ thật kĩ càng. Đôi khi thời gian làm chúng ta thay đổi, dù ít hay nhiều. Nhưng cuối cùng chẳng phải là cuộc đời đều có những giới hạn, không vượt qua thì phải chấp nhận thôi.

 

[Review] Bắt trẻ đồng xanh – J.D Salinger (The catcher in the rye)

Review rất là lan man. Cảm ơn nếu bạn đọc hết =))).

Tự dặn lòng không bao giờ mua mấy quyển kinh điển mà không tìm hiểu trước nội dung thế nào, nhưng bản thân tui lại không thích bị spoil nội dung. Hội sách Nhã Nam vừa rồi dọn kho lại cho tui cơ duyên thấy quyển này. Nói thế nào nhỉ? Tui có thể chọn bừa một cuốn sách trong cái bọc sách bí mật ở Nhà Sách Cá Chép (mặc dù sự thật là chưa mua vì toàn không mang đủ tiền). Vừa rồi thấy quyển “Bắt trẻ đồng xanh”, với một cái bìa xanh mướt như cái tên “đồng xanh”, và đặc biệt là chả có cái gọi là nội dung content sách đằng sau bìa. Thậm chí mở cái bìa ra, chỗ thường nhà xuất bản hay in thông tin tác giả cũng chả có gì. Trong đầu tui chỉ biết thốt lên “đỉnh vãi” và chắc chắn là phải hốt về ngay và luôn.

Thực tế là tui có một lô ebook sách văn học kinh điển, Văn học phương Tây, Văn học phương Đông, cả truyện sách Văn học đương đại Việt Nam, nhưng lâu rồi chẳng mó đến. Tui từng đọc “Trăm năm cô đơn” vài lần nhưng không cảm được cái chất của nó, cộng thêm vài quyển thuộc hàng kinh điển nữa. Nhưng cuộc đời tui thay đổi từ khi đọc được “The great Gatsby”, có ebook nhưng đến lúc mua hẳn sách mới đọc và mới thấy hay tuyệt luôn. Tui nghe “Bắt trẻ đồng xanh” rất rất nhiều, nhưng để chú ý thì quả thật là nhờ cái status một bạn đăng trong hội thích đọc sách, có hỏi quyển sách tâm đắc. Có nhiều người trả lời tên cuốn này, tui ấn tượng lắm và còn note lại để có dịp đọc cơ.

Ban đầu nghe tên “Bắt trẻ đồng xanh”, còn nghĩ đó là một quyển sách về lòng dũng cảm hay đại loại vậy, kể về mấy cô bé cậu bé, kiểu thể loại sách cho thanh thiếu niên ấy… Tui còn có một ý nghĩ là nó giống “Anne tóc đỏ dưới mái nhà xanh”, mặc dù tui chưa đọc đâu, nhưng cứ kiểu liên tưởng xanh đỏ các thứ ấy. Nhưng thực sự là tui nhầm, sai lầm!

Điều duy nhất tui biết trước về quyển này chính là việc nó sẽ làm cho người đọc cười lên cười xuống. Cười thật sự luôn. Nhưng cũng phải nói trước về cái vụ dịch. Rõ ràng tui bị dị ứng với kiểu sách phương Tây, tức Anh, Mỹ, Pháp, Ý,… cả Hàn, cả Nhật dịch sang tiếng Việt, nó kiểu lạ lạ ghê. Hầu hết sách Trung dịch thì ok, nhưng sách Tiếng Anh thì tui chưa tìm được một bản sách nào dịch ưng ý cả. Có lần tui được đọc “The first call from heaven” của Mitch Albom, quyển sách mua xịn từ bên đấy với giá 24,99$ của bà chị gái, thực sự hơi vất vả tí nhưng mà vừa đọc vừa tự dịch mới cảm thấy Anh văn là gì đó rất đáng đọc. Còn dịch giả của quyển sách này, vẫn như vậy, vẫn không dịch thoát hết ý, tui đối chiếu vài đoạn rồi… Nhưng cách dịch ban đầu có làm tui khó chịu một chút, về sau thì ổn cả. Càng đọc càng cảm thấy có chút “đáng yêu”. Chắc tại nhân vật chính mặn mòi quá, còn kể theo ngôi thứ nhất và ổng thì cứ luôn mồm chửi thề, còn chửi thề cả trong suy nghĩ. Cái từ “đù má” thực sự dễ thương lắm.

Một vấn đề về in ấn, hoặc là vấn đề beta, kiểu có vài chỗ đọc nghe rất ngứa đít. Mà tui còn thấy một từ Hollywood viết in hoa mỗi phần Hol, tức là “Hollywood”, ủa sao vậy không biết. Lại còn có đoạn kiểu font bị ngắc ngoải, đang dãn đều đẹp tự nhiên lại sít lại nhau, xong cũng bị bé đi nữa. Kì lạ ghê. Thực sự, sách Nhã Nam hầu như không, hoặc có rất rất ít lỗi kiểu kiểu thế này. Vậy nên tui mới hết hồn nghĩ linh tinh là mình mua phải sách lậu của hội sách của Nhã Nam.

Thực ra là tui không muốn spoil nội dung đâu, nhưng tui đã nhận xét tuốt tuột những thứ khác rồi, mà cái quan trọng là nội dung không nói thì hơi kì. Truyện này, theo như tui tìm hiểu, là tiểu thuyết đầu tay của Salinger. Nhân vật chính là Holden Caulfield, thanh niên 16, 17 tuổi gì đó, con nhà khá giả, có ông bố giàu, có bà mẹ tinh tường. Đặc biệt cậu này có một ông anh trai tài giỏi R.B viết văn hay, làm biên kịch sống ở Hollywood, một đứa em gái yêu quý Phoebe, một người em trai đã mất Allie. Holden rất rất yêu thương anh em của mình, là người giỏi Anh Văn, ngoài ra chả được cái nết mẹ gì hết. Đọc xong quyển này bị nhiễm xừ cái tội chửi thề của cậu nhóc này mất rồi.

Gia đình chất lượng, nhưng Holden, theo chính mồm cậu này tự nói về mình khá nhiều lần, cậu là một thằng phải gió, đơn giản mà nói thì là “ngáo”. Cậu này hay gây chuyện, bị đuổi học bao nhiêu lần. Trong truyện kể về quãng thời gian sau khi Holden bị cho thôi học ở Pencey, lí do là trượt tất cả các môn trừ Anh Văn. Đại loại là cậu chàng bị đuổi học, phải đối mặt với tương lai bị bố mẹ dần cho một trận. Trong lúc đợi đến ngày về nhà, cậu này lại choảng nhau với bạn cùng phòng chỉ vì gã bạn ấy qua lại với thanh mai trúc mã của cậu là Jane. Thanh niên bất cần xách vali đi bụi vài ngày. Buồn cười cái là cái sự nghiệp phượt thủ aka phịch thủ của cậu nhóc rất chi là thất bại, lần thì gọi cho gái mà gái không đến vì bận, lần thì gọi được gái đến nhưng lại đòi ngồi tâm sự. Sau đó còn bị tẩn cho vì không trả đủ tiền. Rồi thì Holden ngáo ngơ đi chơi với bạn gái (chả biết cũ hay không), gặp bạn cũ, đi xem vịt ở công viên. Mà cái căn bệnh sister complex tái phát nên thanh niên phi về nhà ngồi buôn chuyện với em gái, tí thì bị bố mẹ bắt gặp về nhà, nhưng vẫn may là hốt được tí tiền em gái cho. Tiếp theo phượt thủ lại đến nhà ông giáo cũ ngủ ké, ông thầy dạy Anh Văn, lại chơi với ông anh R.B và rất là quý Holden. Nhưng có một sự cố xảy ra, nửa đêm Holden tỉnh dậy vì ông giáo vuốt đầu, sợ bị chơi “pê-đê” nên cậu cắp đít chạy mất, khiến cho tui tò mò muốn chết,… Rốt cuộc là ông giáo này bị say à, ổng có một bà vợ và cuộc hôn nhân thắm thiết như thế, tại sao lại chơi pê-đê được…?

Cuối cùng thì Holden quyết định bỏ nhà đi, trước khi ra đi thì vẫn là cuồng em gái, viết giấy nhắn hẹn ra tạm biệt các kiểu, mà không ngờ rằng bà em gái cũng đòi đi theo. Câu chuyện kết thúc trong cái cảnh ông anh ngốc nghếch ngồi nhìn em gái chơi vòng quay ngựa gỗ và không bỏ nhà đi nữa. Ừ thì chắc chắn sau đó thanh niên này sẽ bị bố mẹ tẩn một trận nên thân và cho đi học một trường mới thôi.

Ồ, tui đã tóm lại cái nội dung xong rồi. Một quyển sách về một thanh niên với tâm trạng chán chường và cái thái độ bất cần phát ghét. Nhưng thực sự là tui ghen tị với cái lối suy nghĩ của cậu này, cái tư duy, cái lời nói nó rất con mẹ nó nghệ sĩ ấy. Tui chả biết dùng từ nào luôn. Holden giỏi Anh Văn, viết nhiều thứ hay ho và nhiều lời nói đáng để người ta suy ngẫm, đúng là em trai của biên kịch Hollywood. Và kiểu như ông giáo dạy Anh Văn cho cậu (cái ổng vuốt đầu cậu này ấy), thì Holden đang trượt trên một con dốc, con dốc nghiêng không có điểm dừng.

Tui nhớ có đoạn nhân vật Holden nói là một cuốn sách hay là cuốn sách mà khi bạn đọc xong nó, bạn lập tức muốn gọi cho tác giả để trò chuyện. Tui nghĩ “Bắt trẻ đồng xanh” là một cuốn như vậy, nhưng Salinger đã qua đời rồi. Tui muốn nói với tác giả, rằng tuổi trẻ luôn có một con dốc. Tui cứ trượt trên cái con dốc của mình, nhưng tui chả muốn dừng lại và leo lên. Đấy là sự mệt mỏi phải không? Đôi khi phải dừng lại và suy nghĩ xem mục tiêu của bản thân là gì, phải nghĩ tương lai muốn thế nào… Hình như Holden đã được khuyên như vậy. Tui hi vọng mình cũng tìm được mục tiêu của mình để có thể tiến lên vượt qua con dốc của mình.

Tui không phải kiểu người thích viết văn theo mẫu, viết như ý kiến chủ quan của giáo viên. Tui thích viết cảm nhận sách, vì không bị ép buộc, là việc tui có hứng thú và quan trọng là tui có thể thể hiện tất cả khía cạnh chủ quan của mình. Thông thường một quyển sách thường được người ta nhìn nhận giá trị bằng bài học, bằng lời khuyên mà nó truyền đạt. Nhưng ý nghĩa mỗi cuốn sách với mỗi người không thể giống nhau được, tui vẫn cho là vậy. “Bắt trẻ đồng xanh” vừa làm cho tui cười, vừa làm cho tui phải nghĩ lại về bản thân mình… Có lẽ bây giờ, một cuốn sách hay với tui còn là một thứ khiến tôi soi rõ được lòng mình…

P/s: Fact: đọc xong mới dám đi gg xem sách này được đánh giá như nào. Tình cờ tui thấy được nó gây tranh cãi, lúc mới ra thì là do nhiều cái chửi bậy rồi thì văn hóa không hay, về sau thì là gây ra mấy vụ ám sát nổi tiếng. Thì ra tên giết John Lennon, tên ám sát hụt tổng thống Ronald Reagan đều bị ảnh hưởng bởi cuốn sách này. Chỉ đơn giản là thấy thông tin này chứ tui cũng chả biết bình luận gì đâu.